Lịch sử Giải_thưởng_Hòa_bình_Quốc_tế_Lenin

Tên gốc của giải này là Giải thưởng Quốc tế Stalin vì sự củng cố hòa bình giữa các dân tộc, bắt đầu vào 21 tháng 12 năm 1949, bởi sắc lệnh (ukaz) của Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao nhân dịp kỉ niệm sinh nhật thứ 70 của Joseph Stalin (trên thực tế là lúc này đã 71 tuổi). Không giống như giải Nobel, Giải thưởng Hòa bình Stalin thường được trao tặng cho một số cá nhân trong một năm thay vì chỉ một cá nhân hay tổ chức. Những người được trao tặng đa phần là những người cộng sản và ủng hộ Liên Xô. Năm 1956, sau diễn văn của Nikita Sergeyevich Khrushchyov đọc tại Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 20, vào ngày 6 tháng 9, giải thưởng Quốc tế Stalin đã đổi tên thành Giải thưởng Quốc tế Lenin vì sự củng cố hòa bình giữa các dân tộc. Những người đã nhận giải này trước đó được yêu cầu trả lại chứng nhận Giải thưởng Hòa bình Stalin của họ để thay thế bằng Giải thưởng Hoà bình Lenin. Ngày 11 tháng 12 năm 1989, theo quyết định của Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao, giải thưởng này lại đổi tên lần nữa thành Giải thưởng Hòa bình Quốc tế Lenin (tiếng Nga: международная Ленинская премия мира)[1]. Hai năm sau, năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã, chính phủ Nga hủy bỏ chương trình phát giải thưởng này.

Giải thưởng Hòa bình Quốc tế Lenin (hay Giải thưởng Quốc tế Lenin) khác với Giải thưởng Hòa bình Quốc tế được trao bởi Hội đồng Hòa bình Thế giới, và cũng khác Giải thưởng Stalin hay Giải thưởng Lenin là những giải thưởng được trao tặng cho các nhà khoa học, nhà toán học, nhà văn, nghệ sĩ và kiến trúc sư.